Da được cấu tạo nên bởi hàng triệu tế bào nhỏ. Ngày này qua ngày khác, chúng thực hiện nhiệm vụ của mình và quyết định vẻ ngoài của mỗi người chúng ta. Tùy thuộc vào loại tế bào da mà vòng đời của chúng khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung – chúng phối hợp nhịp nhàng và hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích và sức khỏe của cả cơ thể. Hãy cùng nghiên cứu tế bào da của con người nhé.
Một người vì mọi người và mọi người vì một người! Một gia đình mạnh mẽ luôn được dẫn đầu bởi người mạnh mẽ nhất – Hãy gặp Người bố Keratinocyte (tế bào sừng). Người bố này mang trên vai một trọng trách lớn, bởi Keratinocyte chiếm tới trên 80% diện tích da và phần lớn lớp thượng bì da.
Keratinocyte tham gia vào quá trình sừng hóa của lớp biểu bì, bảo vệ chúng ta khỏi mọi rủi ro. Ngoài ra, chúng tự tổng hợp các protein có khả năng chịu đựng những tổn thương khác nhau. Một trong những sản phẩm chính là lớp phủ hydrolipid được tạo nên bởi các tế bào mỡ của da, có tác dụng bảo vệ da khỏi bị khô và tổn thương.
Để không gây hại cho các lớp khác của tế bào da, hãy luôn nhớ cung cấp đủ ẩm và nguồn dinh dưỡng chất lượng cho Người bố này nhé.
Tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình tế bào
Bên cạnh Người bố Keratinocyte thì Người mẹ Melanocyte (tế bào sắc tố) cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Họ luôn song hành để bảo vệ những đứa con của mình. Melanocyte là tế bào sắc tố nằm ở lớp đáy biểu bì. Chúng nằm cạnh và ngay giữa các tế bào Keratinocyte. Bản thân các tế bào này chứa sắc tố từ các túi melanosome – nơi tổng hợp sắc tố melanin, mang lại màu sắc độc đáo cho tóc và da của chúng ta.
Nhiệm vụ của Melanocyte là vô cùng quan trọng – chúng bảo vệ các tế bào của lớp hạ bì da khỏi tác hại của bức xạ tia cực tím.
“Tắm nắng không chỉ phục vụ mục đích làm đẹp. Đó còn là cách tôi bảo vệ những đứa con nhỏ của mình đang nằm ở các lớp dưới biểu bì!” – Người mẹ Melanocyte được tiếp thêm sức mạnh khi tiếp xúc nhiều hơn với tia cực tím. Bạn càng phơi mình dưới nắng thì làn da sẽ càng ngả màu chocolate nhiều hơn.
Trợ thủ đắc lực nhất bảo vệ tế bào sắc tố là lớp sừng, và kẻ thù tồi tệ nhất là sự dư thừa hydrogen peroxide trong tế bào. Khi trong tế bào tóc hình thành quá nhiều hydrogen peroxide, tóc sẽ mất đi màu sắc thông thường và dần ngả sang màu nhạt hoặc xám đi.
Cha Keratinocyte và Mẹ Melanocyte có một cô con gái cưng. Cô mang tên Merkel, là đứa con nhạy cảm và dịu dàng nhất trong cả gia đình.
Các tế bào Merkel nằm tại những vùng da nhạy cảm nhất như môi, đầu ngón tay, mũi, v.v. Các phản ứng của chúng ta qua xúc giác, biến đổi nhiệt độ, áp suất, v.v., diễn ra dưới sự kiểm soát nhạy bén của chúng. Chúng cũng có thể kiểm soát quá trình tái tạo của lớp biểu bì và điều chỉnh nhịp độ của mạch máu. Các hạt đặc biệt chứa các hoạt chất sinh học (chất dẫn truyền thần kinh, các chất tương tự hormone) sẽ biến xúc giác thành khoái cảm, điển hình như khi chúng ta hôn vậy. Giờ hãy cùng làm quen với các anh em trong gia đình nào. Tế bào Langerhans luôn sát cánh bên cha Keratinocyte. Đây là những đại thực bào trong da, bắt giữ vi khuẩn gây bệnh bất cứ khi nào chúng có cơ hội trượt qua các tế bào sừng. Langerhan là người bảo vệ thực sự của hệ thống miễn dịch. Xuyên suốt cả ngày lẫn đêm, chúng bảo vệ gia đình khỏi vi rút và vi khuẩn gây bệnh. Nếu các tế bào Langerhan phát hiện một vi khuẩn, chúng hấp thụ và “nhổ” vi khuẩn đó ra thành từng mảnh lên lớp màng ngoài của chúng. Anh em một nhà sẽ chẳng bao giờ tách rời nhau. Tế bào Lympho-T cũng chịu trách nhiệm về khả năng miễn dịch và giúp đỡ những tế bào Langerhan đã già hơn. Chúng liên tục di chuyển từ lớp hạ bì đến các hạch bạch huyết và theo dõi sức khỏe của da. Tế bào Lympho-T được phân bổ dựa trên nhiệm vụ của chúng: có tế bào đi tiêu diệt các tác nhân lạ, có tế bào kích hoạt phản ứng miễn dịch, có tế bào lại đi loại bỏ những tế bào bị tổn thương trong cơ thể. Một ví dụ sinh động cho chức năng sau cùng vừa kể là khi một khối u hình thành, nó sẽ bị tấn công bởi các tế bào lympho-T của chính nó.
Ngoài các tế bào trên vẫn còn rất nhiều người anh chị em họ hàng mà chúng tôi sẽ kể thêm trong những bài về sau. Trong khi đó, chúng ta hãy nhớ rằng các tế bào trên lớp biểu bì da của chúng ta luôn hoạt động không mệt mỏi không phải chỉ vì mục đích mang lại vẻ bề ngoài đẹp đẽ cho chúng ta, mà phần lớn là vì sức khoẻ chung của cơ thể ta. Suy cho cùng, làn da là điểm tiếp xúc đầu tiên của cơ thể với thế giới bên ngoài. Vì thế, các chức năng của tế bào lớp biểu bì cũng như hạ bì đều cực kỳ quan trọng. Hãy chăm sóc từng tế bào da và luôn xinh đẹp nhé