Chắc hẳn ai cũng biết đến phong trào mang tên “body positivity” – phong trào kêu gọi cái nhìn tích cực về cơ thể (của cả bản thân và những người xung quanh). “Body positivity” khuyến khích mọi người yêu bản thân vì chính con người mình và trân trọng mọi khiếm khuyết của bản thân. Phong trào được đón nhận và từ đó hình thành nên một xu hướng mới – “Skin positivity”, hay còn gọi là phong trào “Yêu làn da”, kêu gọi tình yêu vô điều kiện với làn da ở mọi hình thức và tình trạng.
“Skin positivity” là gì?
Nhiều người đã sẵn sàng thả lỏng bản thân để hướng tư tưởng sang “phía bên kia thế giới”. Sau cùng thì trào lưu này đem lại vô vàn lợi ích: bạn không phải lo lắng về ngoại hình của mình hay mua thêm bao nhiêu mỹ phẩm mới và dành hàng giờ cho việc làm đẹp mỗi ngày nữa. Thực ra, chúng ta có thể dễ dàng tự bỏ qua những bước phiền toái đó, nhưng cuối cùng chúng ta lại bị dư luận thúc ép và phải gồng mình hết lần này qua lần khác…
Tuy nhiên, mỗi xu hướng làm đẹp mới thường kéo theo “phiên bản ngược” – một phiên bản bị hiểu theo nét nghĩa méo mó. Nhiều người ủng hộ phong trào “Yêu làn da” nhưng lại không hiểu được sự khác biệt quan trọng giữa việc thực sự chăm sóc làn da với việc bỏ bê nó được che đậy bởi lớp vỏ bọc yêu thương và chấp nhận mọi khiếm khuyết của bản thân.
Ví dụ: một bệnh phổ biến là mụn trứng cá sẽ đòi hỏi điều trị cẩn thận và toàn diện. Nếu bạn theo đuổi trào lưu “Yêu làn da” bằng cách chấp nhận làn da có bệnh và không sẵn sàng chữa trị cho nó (bởi bạn nghĩ rằng khi yêu mọi khuyết điểm của da thì sao lại phải chữa trị và loại bỏ nó?), thì bạn đang hoàn toàn hiểu sai ý tưởng của phong trào đó.
Lưu ý: “Yêu làn da” đúng là tình yêu vô điều kiện với làn da của mình dù nó đang có bất cứ khiếm khuyết nào, nhưng đồng thời cũng là sự nâng niu, quan tâm và chăm sóc các khuyết điểm thẩm mỹ và bệnh lý cần được điều trị.
“Yêu trong khuôn khổ”
Mụn trứng cá (hay bất kỳ bệnh da liễu nào khác) với các nhìn tích cực về làn da của phong trào “Yêu làn da” đều nên được nhìn nhận theo cách này: Bạn cần điều trị da, chăm sóc da đúng cách, nhưng đồng thời hãy vẫn yêu thương làn da trong cả những giai đoạn khó khăn này..Nói cách khác, chúng ta cần chăm sóc làn da để nó khỏe mạnh, nhưng chúng ta vẫn luôn yêu thương và không xấu hổ về làn da ngay cả trong những giai đoạn khó khăn, bởi làn da cũng là một phần tạo nên con người ta.
Bạn cần biết cách “thương lượng” với làn da. Làn da “giao tiếp” với chúng ta qua mọi phản ứng ngoài da mà ta nhìn thấy. Có thể da đang thông báo cho chúng ta về vấn đề nào đó với cơ quan nội tạng, rối loạn tâm thần, hay tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài. Với vô số dây thần kinh và các vi sinh vật (microbiome), da luôn sẵn sàng chia sẻ với chúng ta về mọi thứ diễn ra với cơ thể.
Phong trào “Yêu làn da” đứng lên đấu tranh vì làn da và lên án việc chế giễu các khuyết điểm thẩm mỹ trên da. Thật tuyệt vời khi một trào lưu có thể cho phép bạn tử tế với người khác và với chính bản thân hơn. Ai cũng đều có lúc phải đối mặt với bệnh tật, nhưng chúng ta sẽ không lấy đó làm lý do để áp đặt những lý tưởng sai lệch khiến bản thân hay người khác cảm thấy chán nản.