Khi mua một sản phẩm mỹ phẩm, chắc chắn ai cũng sẽ thắc mắc sản phẩm đó được làm từ những thứ gì. Suy cho cùng, những tên tuổi nổi tiếng và những hoạt chất ghi trên bao bì vẫn chưa phải tất cả. Thành phần của một sản phẩm thường chứa đầy những chất mà người tiêu dùng thông thường không hiểu được. Vậy sự thật là thế nào?
Các sản phẩm mỹ phẩm không chỉ phụ thuộc vào riêng các hoạt chất sinh học (BAS) để có thể giải quyết các vấn đề cho da. Nó cũng phải tạo cảm giác dễ chịu khi bôi lên da, thuận tiện khi sử dụng và mang mùi hương dễ chịu. Đảm bảo những yếu tố này là một nhiệm vụ không hề đơn giản đối với một nhà sản xuất.
Do vậy, bên cạnh các thành phần hoạt tính có nhiệm vụ nhất định (dưỡng ẩm, xóa mờ nếp nhăn và sắc tố da, trị mụn trứng cá, vv.), trong công thức tạo mỹ phẩm cũng có những thành phần chỉ mang nhiệm vụ cải thiện trải nghiệm về cảm giác của người dùng với sản phẩm, mang đến cảm giác dễ chịu và an toàn. Việc làm ra một sản phẩm hấp dẫn và giữ được tác dụng của nó luôn là một thách thức đối với các nhà nghiên cứu.
CHẤT NỀN
Chất nền (hoặc nền) của một sản phẩm là tất cả những gì còn lại trong sản phẩm nếu loại bỏ hết các hoạt chất sinh học. Chất nền thường bao gồm khá nhiều thành phần trong đó.Trong một sản phẩm, chất nền là thành phần đầu tiên tiếp xúc với bề mặt da. Bên cạnh đó, vẫn có những sản phẩm ngoại lệ không chứa chất nền, chẳng hạn như sản phẩm Bio-essence Vegenius.
Những tiêu chí của chất nền tốt:
- an toàn và là chất trơ không gây phản ứng với da;
- chỉ ở trên bề mặt mà không xâm nhập vào da xuyên qua lớp sừng;
- bao gồm những thành phần có lợi;
- không tương tác với các chất có hoạt tính sinh học.
Mỹ phẩm có thể mang những kết cấu khác nhau: kem lỏng, dầu, gel, vv. Việc lựa chọn thành phần cho lớp nền phụ thuộc vào kết cấu mà nhà sản xuất muốn đạt được.
Kết cấu gel hoặc không dầu
Những chất nền này hoàn toàn không chứa chất béo. Chúng được cấu tạo từ các phân tử chuỗi dài, thường là dẫn xuất xenlulozo hoặc cacbome và nước.
Kết cấu nhũ tương
Nhũ tương là kết cấu được điều chế bằng cách phân tán 2 chất lỏng vốn không hòa tan với nhau. Về bản chất, nó bao gồm 2 pha: pha phân tán và pha liên tục. Chất lỏng ở pha phân tán nhờ sự trợ giúp của chất hoạt động bề mặt (surfactant) nghiền thành các giọt có kích thước và trọng lượng vừa đủ sao cho các giọt này được giữ lại khi được đưa vào chất lỏng khác (pha liên tục).
Trong hệ nhũ tương, các hoạt chất sinh học tan trong chất béo tồn tại trong pha dầu, và hoạt chất tan trong nước tồn tại trong pha nước. Điều này cho phép một sản phẩm có thể mang phức hợp của nhiều chất hoạt tính sinh học khác nhau để chúng bổ trợ, tăng cường hoạt động cho nhau.
Phân loại nhũ tương
- Nhũ tương dầu trong nước là các giọt dầu phân tán trong một khối lượng nước lớn.
- Nhũ tương nước trong dầu là các giọt nước trong khối lượng dầu lớn.
- Nhũ tương kép là hỗn hợp của các giọt dầu phân tán trong nước rồi được bao bọc trong dầu, hoặc các giọt nước phân tán trong dầu được bao bọc trong nước.
- Nhũ tương đa lớp là nước và các lớp lipid xen kẽ (như các lớp mì lasagna).
Chất nhũ hóa là cực kỳ cần thiết khi chế tạo bất cứ loại nhũ tương nào. Chất nhũ hóa có tác dụng tách một chất lỏng thành những giọt riêng biệt, bao bọc và đưa chúng vào trong một chất lỏng khác, nhờ đó 2 chất lỏng này sẽ không bị hợp nhất, tránh bị tách pha và tồn tại ổn định trong một hỗn hợp.
CHẤT NHŨ HÓA (CHẤT HOẠT ĐỘNG BỀ MẶT)
Chất nhũ hóa là một nhóm các chất hoạt động bề mặt. Có một số loại chất nhũ hóa khác nhau.
Chất tẩy rửa là các chất hoạt động bề mặt có tác dụng tẩy rửa. Chúng giúp hòa tan chất béo, tách chất béo ra thành các giọt nhỏ có thể dễ dàng bị rửa trôi bằng nước. Chúng được sử dụng trong sản phẩm với mục đích tẩy rửa hoặc hỗ trợ các chất nhũ hóa khác. Các chất này có thể phân hủy lipid trên da nên có thể gây dị ứng da. Tuy nhiên, tin vui là hiện nay người ta đã chế tạo ra chất nhũ hóa thế hệ mới để không phá hủy lớp lipid trên da.
Chất nhũ hóa bao gồm cả hợp chất tự nhiên (phospholipid, axit béo, vv.), hợp chất tổng hợp và bán tổng hợp. Các chất hoạt động bề mặt từ silicone thì đặc biệt hơn – chúng hoàn toàn trơ về mặt sinh học, vì vậy không gây kích ứng da.
Chất nhũ hóa bao gồm cả polyethylene glycols (PEG). Chúng được sử dụng làm dung môi và chất làm mềm.
Ngoài ra còn có các chất hoạt động bề mặt sinh học nữa. Không giống như loại được tổng hợp, những chất này được tạo ra trong quá trình lên men do enzym và vi khuẩn.
CHẤT LÀM MỀM
Trong pha chất béo của một sản phẩm mỹ phẩm luôn phải có chất làm mềm. Chúng không thẩm thấu vào da và không gây ảnh hưởng gì lên tế bào sống. Chất làm mềm quyết định phần lớn các đặc tính về cảm giác: tính thẩm thấu, hình thức, cảm giác khi thoa (mềm, mịn). Chất làm mềm cũng giúp da không bị khô, làm dịu và bảo vệ da. Chúng thúc đẩy quá trình hydrat hóa của lớp sừng bằng cách ức chế quá trình mất nước qua biểu bì. Trong số các chất làm mềm có nhiều chất béo, dầu, axit béo, este triglycerid, vv.
Trong mỹ phẩm hiện đại, dầu silicon thường được sử dụng như chất làm mềm do chúng chỉ ở trên bề mặt da và có tác dụng làm da mềm mịn tạm thời.
Có những chất được gọi là chất làm mềm phi sinh học. Chúng có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó gây mụn. Các chất thuộc nhóm này bao gồm lanolin, isopropyl, isostearate, dầu dừa và một số chất khác.
CHẤT BẢO QUẢN
Chất bảo quản được chế tạo với mục đích ngăn ngừa sự biến chất của mỹ phẩm và duy trì hoạt động của các hoạt chất sinh học trong suốt vòng đời của sản phẩm. Chúng bảo vệ sản phẩm khỏi các loại vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, nấm men, vv.). Các chất bảo quản được sử dụng trong mỹ phẩm cũng tương tự như trong thực phẩm và thuốc.
Bạn có biết: Chúng ta hấp thụ chất bảo quản qua đường ăn uống nhiều hơn là từ mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da.
Chất bảo quản phải an toàn, ổn định ở mọi nhiệt độ, với mọi độ pH của sản phẩm và hoạt động tốt trong suốt quá trình sản xuất và xuyên suốt vòng đời của sản phẩm.
Ngoài ra, chất bảo quản phải hòa tan được trong nước, vì vi khuẩn phát triển trong pha ưa nước hoặc ở giữa 2 pha, chứ không phải ở trong pha béo.
Lưu ý: Việc đưa chất bảo quản vào pha chất béo để hòa tan tốt hơn là một sai lầm, vì điều này không phục vụ mục tiêu chính của chất bảo quản là bảo vệ sản phẩm khỏi bị nhiễm khuẩn.
Trong mỹ phẩm không chỉ có một chất mà có cả một phức hợp các chất bảo quản. Các chất này có thể là hóa chất – paraben, natri sorbate, phenoxyethanol, benzyl alcohol, vv., hoặc các chất bảo quản có nguồn gốc thực vật, ví dụ như chiết xuất hương thảo.
Bạn có biết: Khi chức năng bảo vệ bị suy giảm và lớp màng axit bị hư hại, da có thể bị nhạy cảm quá mức với chất bảo quản.
HƯƠNG LIỆU
Hàm lượng hương liệu trong mỹ phẩm là không đáng kể. Hương liệu được thêm vào công thức để át đi mùi khó chịu của nguyên liệu hoặc để tạo mùi thơm dễ chịu cho sản phẩm. Trong mỹ phẩm chỉ được sử dụng các thành phần có chứa hương liệu được cho phép theo quy định.
Mặc dù trọng tâm của mỹ phẩm vẫn là các thành phần hoạt tính, nhưng chất nền cũng có đóng góp quan trọng và bảng thành phần hiệu quả của sản phẩm. Chắc hẳn bạn vẫn nhớ cảm giác mềm mại khi thoa một chút kem dưỡng lên da, làm bạn lập tức cảm thấy thật dễ chịu và thích thú đúng không nào?