LIPID

Ngày đăng: 11-08-2021

Chúng ta đều biết lipid rất cần thiết cho làn da. Vậy lipid thực chất là gì và ảnh hưởng lên da thế nào?

 

Thuật ngữ "lipid" được sử dụng để chỉ các hợp chất hữu cơ khác nhau không tan trong nước. Trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, cả lipid tự nhiên (nguồn gốc động vật, thực vật và khoáng chất) và lipid tổng hợp đều được đưa vào sử dụng với vai trò hoạt chất sinh học hoặc chất nền.

 

Tại sao da cần lipid?

 

Làn da vốn có lớp lipid tự nhiên giúp giữ ẩm, ngăn nhiễm trùng và thậm chí cả tia cực tím. Tuy nhiên, ở mỗi người, tầng bảo vệ này đều tổn thương ít nhiều do liên tục phải tiếp xúc với các nguy cơ. Làm sao để khôi phục và bảo tồn lớp lipid? Đã có mỹ phẩm trợ giúp bạn đây. 

Loại lipid nào được dùng trong mỹ phẩm?

  • Hydrocacbon (dầu khoáng)
  • Sáp
  • Triglyceride tự nhiên và tổng hợp (chất béo và dầu)
  • Lanolin và các dẫn xuất (không tốt cho da và hiếm khi được sử dụng ngày nay)
  • Cồn béo và axit béo chuỗi trung bình

Lipid có lợi ích gì?

 

  • Đóng vai trò thành phần tạo cấu trúc, chất làm mềm: tạo kết cấu mong muốn cho mỹ phẩm để dễ dàng thoa đều lên da, làm mềm và bảo vệ da
  • Là hoạt chất tác động trực tiếp đến quá trình sinh hóa trong da

Lipid tự nhiên

 

Sáp tự nhiên

Theo quan điểm của các nhà hóa học, sáp là este chứa các axit béo tự do, hydrocacbon, rượu và một lượng nhỏ chất kháng sinh và chất diệt khuẩn. Thành phần của sáp phụ thuộc đáng kể vào nguồn nguyên liệu sử dụng để sản xuất.

 

Ví dụ:

 

- Sáp ong (có tác dụng diệt khuẩn rõ rệt, được sử dụng trong nhũ tương "nước trong dầu")

 

Hydrocacbon

 

Hydrocacbon là sản phẩm của quá trình lọc dầu. Dầu khoáng là hỗn hợp hydrocacbon tinh lọc. Một số chuyên gia cho rằng đây là lipid tự nhiên, trong khi những người khác lại phân vào loại tổng hợp hoặc bán tổng hợp. Nguyên nhân là bởi một mặt dầu khoáng là hợp chất thu được từ quá trình lên men thực vật không vi khuẩn trong thời gian dài, mặt khác việc sản xuất và tinh chế dầu được tiến hành bằng phương pháp hóa học.

 

Ví dụ:

  • Parafin (trong sản phẩm trang điểm, kem bảo vệ và massage)
  • Sáp dầu khoáng (son môi, sản phẩm massage) ngày càng bị hạn chế hơn
  • Dầu khoáng (tẩy trang, sản phẩm dưỡng thể)

Chất béo

 

Chất béo là lipid có trong mô động vật. Hầu như không được sử dụng trong ngành công nghiệp làm đẹp ngày nay.

 

Dầu 

 

Dầu là lipid thực vật. Người ta thu dầu bằng cách ép lạnh, ép nóng, hoặc chiết dạng lỏng. Hầu hết mọi loại dầu đều ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng. Các trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn cacao hay bơ shea được sử dụng phổ biến trong sản phẩm dưỡng thể và chăm sóc môi. Trong mỹ phẩm, dầu vừa là thành phần hoạt tính vừa là chất làm mềm, vì vậy mà được gọi là chất làm mềm hoạt tính.

 

Axit béo bão hòa quyết định đặc tính làm mềm của dầu, còn axit béo không bão hòa ảnh hưởng đến quá trình phân chia tế bào và tái tạo da, điều hòa cân bằng nước cho da.

 

Các loại dầu có nguồn gốc khác nhau thì thành phần hóa học cũng khác nhau: hàm lượng chất béo trung tính, axit béo bão hòa và không bão hòa, vitamin, nguyên tố vi lượng, protein, v.v. Nhờ dạng cocktail hoạt tính như trên, người ta có thể tạo ra vô vàn các loại mỹ phẩm với công dụng đa dạng ngay cả khi chỉ thay đổi thành phần dầu mà thôi.

 

Ví dụ:

Dầu mầm lúa mì chứa tới 44% axit béo không bão hòa linoleic, 10% linolenic và 28% oleic, cũng như protein, vitamin B, vitamin E, các nguyên tố vi lượng (kẽm, sắt, kali, selen), mang lại hiệu quả chống lão hóa cao.

 

Để ngăn dầu oxy hóa và bảo toàn đặc tính có lợi lâu hơn, người ta sử dụng thêm chất chống oxy hóa.

 

Lipid tổng hợp

 

Lipid tổng hợp được sản xuất bằng phương pháp hóa học. Sự khác biệt của lipid tổng hợp nằm ở độ tinh khiết cao và độ ổn định của các đặc tính vật lý và hóa học, khiến chúng trở thành nguyên liệu thô có giá trị cho ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Ví dụ:

  • Silicone
  • Butyl stearate
  • Isopropyl myristate
 

Để lại bình luận