Sương giá mùa đông đã sắp qua, nhưng chủ đề về da khô thì vẫn luôn đáng để bàn luận. Chúng ta thường hiểu chưa đúng về da khô, dẫn tới chăm sóc không đúng cách và làm các vấn đề da trầm trọng thêm. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu định nghĩa về da khô nhé.
Chúng ta cần phân biệt giữa ‘loại da khô’ (cùng chung phân loại với da dầu, da hỗn hợp, da thường) với ‘tình trạng da khô’. Chúng có thể mang đặc điểm không tương đồng và yêu cầu hướng tiếp cận khác nhau.
Loại da khô
Da khô thường mỏng, nhạy cảm, tuyến bã nhờn thưa, lỗ chân lông nhỏ khó nhìn thấy bằng mắt nên trông thiếu độ bóng, lớp sừng khỏe mạnh giúp giữ ẩm cho da. Đối với làn da này, điều quan trọng là phải cung cấp đủ lượng lipid để da duy trì sức khỏe và chức năng bảo vệ chứ không cần thiết phải điều chỉnh sự cân bằng nước. Một làn da khỏe mạnh thuộc phân loại này có đủ khả năng để tự duy trì độ ẩm cần thiết.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người không thể tránh khỏi các vấn đề với làn da khô của mình. Đừng vội khó chịu, bởi những vấn đề này có thể được giải quyết nhanh chóng nếu bạn lựa chọn phương pháp phù hợp.
Tình trạng da khô
Tình trạng da bị khô – có thể xảy ra với bất cứ loại da nào (da khô, da dầu). Để giải quyết tình trạng này, cần phải có chẩn đoán chính xác và lựa chọn phương pháp chăm sóc thích hợp.
Vấn đề khô da bắt nguồn từ sự tổn thương cấu trúc và chức năng của lớp sừng. Hậu quả để lại ở cấp độ biểu bì, gây ra thay đổi trong cơ chế bảo vệ và làm suy yếu chức năng của hàng rào bảo vệ da và cuối cùng khiến da bị mất nước. Tình trạng này có thể được nhận biết bằng các dấu hiệu sau, đặc biệt nếu chúng chưa từng xảy ra trước đó:
· Da sần sùi
· Dày sừng da
· Cảm giác căng, tức
· Cảm giác khó chịu
· Có xu hướng kích ứng, ngứa, muốn chạm vào mặt liên tục
· Nếp nhăn nhỏ
· Dưỡng da không hiệu quả (da hấp thụ hết kem dưỡng ngay sau khi thoa, cảm giác khó chịu quay trở lại gần như ngay lập tức)
· Da không đều màu
· Lớp trang điểm khó tiệp vào da
Các yếu tố có khả năng gây khô da
· Bức xạ tia cực tím
· Gió
· Nhiệt độ cao
· Nhiệt độ thấp
· Chăm sóc không đúng cách
· Làm sạch thường xuyên với cọ xát cơ học (khăn lau, bàn chải, tẩy da chết)
· Căng thẳng
· Một số loại thuốc uống
· Chế độ ăn uống không lành mạnh
· Một số loại bệnh
Nguyên nhân sinh lý gây khô da là do quá trình tái tạo da (đổi mới lớp biểu bì) bị xâm phạm, dẫn đến các vấn đề về da như sau:
· Thiếu ceramide (lớp lipid đặc biệt giúp kết dính lớp sừng và tế bào chết ở lớp sừng). Điều này dẫn đến gia tăng sự thoát hơi nước trên bề mặt da, làm mỏng lớp sừng và biểu bì.
· Da không thể thay tế bào chết trên bề mặt.
· Quá trình tổng hợp các phân tử đặc biệt giữ nước cho lớp sừng bị gián đoạn.
· Chức năng bảo vệ da của lớp sừng bị phá vỡ, gây cảm giác khó chịu trên da.
· Các chất lạ, bụi, vi sinh vật bắt đầu tích cực xâm nhập vào da. Ngay cả các thành phần trong mỹ phẩm cũng dễ dàng xâm nhập vào da quá nhanh với số lượng quá lớn.
Trong cuộc chiến chống lại khô da, điều quan trọng là phải tuân thủ một quy tắc đơn giản: đầu tiên là bảo vệ da, sau đó thì dưỡng ẩm.
Trước hết, chúng ta cần bảo vệ để da không mất độ ẩm, giúp các tế bào sống không bị thiếu nước bằng cách tạo một lớp màng thoáng khí trên bề mặt da với sự hỗ trợ của các chất dưỡng. Sau khi đã xong bước này, chúng ta tiếp tục bước thứ hai là phục hồi cấu trúc lớp sừng – lớp lipid, và phục hồi độ ẩm cho da.
· Để đạt được mục tiêu này nhanh chóng nhất, hãy lựa chọn sản phẩm có chứa những chất có tác dụng ngăn cản sự bay hơi của nước và axit béo khỏi da. Chúng sẽ điều chỉnh hoạt động của lớp sừng, từ đó khôi phục hàng rào bảo vệ da.
· Khi da bắt đầu đủ khả năng chống lại các yếu tố bên ngoài, hãy bắt đầu tập trung vào cấp ẩm tích cực bằng các sản phẩm có chứa thành phần hút và giữ ẩm.
· Sử dụng serum có tác dụng cải thiện tuần hoàn mao mạch, bởi lượng máu đi qua mao mạch là thành phần bảo đảm lượng nước cung cấp tới lớp biểu bì.
· Sử dụng các thành phần hỗ trợ tái tạo da.
Việc khắc phục tình trạng da khô là hướng tới mục tiêu phục hồi và duy trì cơ chế điều tiết nước của chính nó, bởi lớp sừng đủ ẩm và khỏe mạnh là vũ khí tốt nhất chống lại lão hóa và bảo đảm sức khỏe cho da.
Lưu ý: Đừng chỉ đơn giản là xịt nước lên da (từ xịt khoáng chẳng hạn) hoặc thoa các loại dầu nguyên chất, như vậy chỉ làm da khô trầm trọng hơn thôi. Trên thực tế, dầu nguyên chất sẽ làm lớp sừng vốn đã bị “rời rạc” trở nên lỏng lẻo hơn, và việc xịt khoáng liên tục sẽ đẩy nhanh quá trình bay hơi nước, làm mất độ ẩm trên da.
Quy tắc chăm sóc da khô:
· Lựa chọn sữa rửa mặt và tẩy da chết dịu nhẹ.
· Kem dưỡng nên chứa chất làm mềm để điều chỉnh quá trình bay hơi nước trên da.
· Sử dụng mỹ phẩm (đặc biệt là serum) có tác dụng hỗ trợ tuần hoàn mao mạch.
· Sử dụng kem dưỡng ban ngày và ban đêm chứa lipid.
· Nếu cần tẩy tế bào chết, hãy ưu tiên sản phẩm tẩy da chết enzym chiết xuất từ đu đủ.
Nếu bạn may mắn sở hữu làn da khỏe mạnh thì cũng đừng quên đề phòng nhé. Một số mẹo đơn giản có thể giúp bạn ngăn ngừa tình trạng khô da phát triển hoặc quay trở lại:
· Sử dụng mặt nạ dưỡng ẩm ít nhất một lần một tuần.
· Đối với loại da khô – hãy sử dụng các loại mặt nạ giàu dưỡng chất và mặt nạ dẻo tảo biển trong liệu trình chăm sóc chính (ít nhất 2 lần một tuần).
Khô da không phải một vấn đề dễ xử lý, nhưng nó có thể được ngăn ngừa hoặc giải quyết nếu bạn nghiêm túc tuân thủ các khuyến nghị.