Làn da là một cơ quan đặc biệt. Xuyên suốt cuộc đời, chúng ta đã quen với những thứ làn da đem lại mà không đặc biệt chú ý tới nó.
Tại sao mặt chúng ta lại đỏ hồng lên khi trời nóng, hay tái đi khi trời lạnh hoặc khi ta sợ? Bạn có biết rằng da có thể thay đổi màu sắc do thực phẩm hoặc vitamin?
Những thay đổi sắc da trên cơ thể chính là cách cơ thể đang giao tiếp với chúng ta để báo hiệu những điều đang xảy ra. Các chất ảnh hưởng tới sắc da được biết đến nhiều nhất là sắc tố hemoglobin, caroten, hắc tố melanin, hemosiderin và protein alpha-crystallin.
Vì sao ta đỏ mặt?
Máu của chúng ta có màu đỏ nhờ vào huyết sắc tố hemoglobin. Nhưng làm thế nào da có thể đỏ lên từ đó? Đó là nhờ vào việc các mạch máu bắt đầu giãn ra, làm lưu lượng máu tăng lên, “phình ra” và tiếp cận gần hơn với bề mặt da. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy hơn ở những người có làn da trắng.
Thông thường, da đỏ lên là vì: Khi hormone được giải phóng vào trong máu (dư thừa cảm xúc,hưng phấn).
Trong quá trình lao động thể chất hoặc tác động lực mạnh (xoa bóp hoặc tẩy da chết).
Khi trong máu có ít sắc tố, da trở nên nhợt nhạt, thậm chí hơi xanh xao. Ví dụ, phần da dưới mắt có sắc xanh cho thây tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch. Khi nồng độ hemoglobin trên mức bình thường, ta sẽ thấy làn da tươi sáng hơn, bất kể nhiệt độ hay hoạt động bạn đang làm.
“Rám nắng thực vật” – thật hay không?
Caroten là một sắc tố màu cam thú vị. Bạn sẽ chỉ có thể nhận thấy sự thay đổi bằng mắt thường sau khi ăn thường xuyên một lượng thức ăn hoặc vitamin có chứa caroten trong một thời gian dài. Khi bạn chế độ ăn uống của bạn có đủ rau và trái cây màu đỏ, vàng, cam, làn da của bạn sẽ có màu vàng rạng rỡ. Sắc da này được người ta gọi đùa là “rám nắng thực vật”, và trông nó không tệ hơn so với rám nắng thông thường chút nào. Ngoài hiệu ứng thay đổi bên ngoài, thức ăn có caroten còn giúp kích hoạt hệ thống chống oxy hóa của cơ thể, đồng thời chống lại các khối u ác tính và xơ vữa động mạch.
Sắc tố chống nắng
Ai cũng biết tới melanin là một sắc tố khiến chúng ta trở nên rám nắng dưới ánh mặt trời. Nhiệm vụ chính của nó là bảo vệ da khỏi bức xạ tia cực tím. Chúng ta càng tiếp xúc với ánh nắng chói chang hơn trong thời gian lâu hơn thì làn da lại càng rám nắng hơn.
Bạn có biết: Một làn da ngăm được di truyền với mục đích bảo vệ con cái đời sau khi phải sống dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Trên thế giới có những người thiếu sắc tố melanin trong cơ thể. Bệnh bạch tạng khiến da và tóc họ ngả hẳn sang màu trắng và màu mắt cũng nhạt đi nhiều. Đối với họ, việc phơi nắng là rất nguy hiểm bởi da hoàn toàn không được bảo vệ khỏi tia UV.
Chỉ số đo sức khỏe mạch máu
Một sắc tố khác được kích hoạt khi các cơ quan tạo máu bị tác động – đó là hemosiderin. Sắc tố này tạo thành bởi oxit sắt và tạo ra màu vàng sẫm đến nâu.
Hemosiderin là sản phẩm của quá trình phân hủy hemoglobin, xuất hiện khi các mao mạch bị tổn thương khiến máu đi vào các mô mềm. Da sẽ mang sắc tố nâu vàng đó sau khi bị bầm tím, chấn thương, hoặc sau khi hệ tuần hoàn bị rối loạn.
Hiệu ứng da sứ
Chắc hẳn chúng ta đều đã từng nhìn thấy những làn da dường như trong suốt vậy. Mặc dù có thể thấy được mạch máu lộ ra, nhưng không có nghĩa là làn da của họ mỏng và nhạy cảm. Hiệu ứng "trong suốt" này được tạo ra bởi alpha-crystalallin - một protein-chaperone đặc biệt. Công việc của Alpha-crystallin là loại bỏ các protein bị biến tính (bị phá hủy) trong tế bào da. Nó là một chiến binh chiến đấu để giữ gìn môi trường sạch sẽ bên trong các tế bào, loại bỏ các "mảnh vụn" bị tích tụ. Cấu trúc làn da của chúng ta và cách ánh sáng khúc xạ lên nó phụ thuộc vào hoạt động của nó – với hàm lượng tinh thể alpha-crystallin cao, làn da sẽ "trong suốt" như thể đang tỏa sáng từ bên trong.