Mụn là một trong những bệnh ngoài da khá phổ biến và thường ảnh hưởng xấu đến trạng thái tâm lý của chúng ta, đòi hỏi liệu pháp phức tạp và nhiều thời gian. Một trong những nguyên do khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn là căng thẳng. Cùng tìm hiểu những tác nhân cụ thể và phương hướng giải quyết bạn nhé.
Thủ phạm chính gây mụn trứng cá:
· tăng sản sinh bã nhờn;
· thay đổi thành phần bã nhờn;
· tăng sừng nang lông;
· phì đại tuyến bã nhờn;
· nhân mụn nơi bít tắc nang lông;
· vi khuẩn P.acnes sinh sôi và tạo màng sinh học trên da.
Quá trình sinh mụn:
· Ở làn da bị mụn, tuyến bã nhờn hoạt động tích cực hơn.
· Bã nhờn sản sinh quá mức gây thay đổi thành phần của mọi phân tử lipid trên bề mặt da, bao gồm cả ngoại bào (hình thành hàng rào lipid trong lớp sừng) và lipid có trong bã nhờn.
Nồng độ axit linoleic giảm, dẫn đến kiềm hóa da (pH ở mức 5,8 - 6,0) và tăng khả năng thâm nhập của tác nhân có hại qua biểu mô nang. Thay đổi trong thành phần lipid của lớp sừng làm tổn hại chức năng bảo vệ chung của da. Độ ẩm của da hao hụt đáng kể và chất lạ dễ dàng đi vào các tầng sâu bên dưới.
· Da trở nên nhạy cảm. Khi thiếu hụt axit linoleic, tế bào sebocytes - tế bào tuyến bã nhờn - trở nên nhạy cảm hơn, làm gia tăng tổng hợp chất trung gian tiền viêm và các phân tử tín hiệu dẫn đến phản ứng viêm.
· Sự thiếu hụt axit linoleic cũng gây gián đoạn quá trình sừng hóa ở miệng nang lông làm ứ đọng, tắc nghẽn ống tuyến bã nhờn, dẫn đến hình thành “túi bã nhờn” gây mụn trứng cá.
· Vi khuẩn P.acnes là một dạng điển hình trong hệ vi sinh vật tuyến bã. Nhưng một khi bã nhờn bị sản sinh quá nhiều, những vi khuẩn này trực tiếp tác động lên tế bào sebocyte làm thay đổi thành phần tuyến bã, gây ra các vấn đề liên quan đến mụn.
Tại sao vậy?
· Để có thức ăn là glycerin, vi khuẩn P.acnes phá hủy cấu trúc phân tử chất béo trung tính trong bã nhờn, làm sinh ra một lượng lớn axit béo tự do, gây ảnh hướng đến quá trình sừng hóa ở miệng tuyến bã, dẫn đến tăng sừng.
· Khi bã nhờn tích tụ và miệng tuyến bã tắc nghẽn, axit béo lại kích thích tiết nhờn trong tế bào sebocyte, làm giảm hàm lượng axit béo không bão hòa (chủ yếu là axit linoleic và gamma linolenic) trong bã nhờn. Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn mãi không thôi.
· Suy giảm axit linoleic tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ dàng thâm nhập vào tuyến bã nhờn, từ đó kích hoạt quá trình viêm.
· P acnes có khả năng hình thành màng vi khuẩn, tức một tầng vi khuẩn phức tạp liên kết với nhau, có khả năng chống lại chất sát trùng và kháng sinh, đồng thời cản trở quá trình tẩy bỏ da chết.
· Bằng chứng cho thấy ở làn da dễ bị mụn, hàm lượng vitamin E suy giảm và lượng chất gây mụn squalene peroxide tăng lên. Để cải thiện tình trạng này, cần tăng cường khả năng chống oxy hóa của da để ngăn thành phần squalene trong da trở thành squalene peroxide.
Thủ phạm trực tiếp gây mụn trứng cá - hệ vi sinh gây bệnh - chỉ có thể sinh sôi trên vùng da cho chúng nhiều dinh dưỡng, tức nơi có quá nhiều bã nhờn. Liệu pháp kháng sinh chỉ giúp giảm nhẹ tình trạng bệnh thôi chứ không thể giải quyết vấn đề.
Có phải tất cả các bệnh lý về da là do căng thẳng?
Thật vậy, một trong những yếu tố kích thích sản xuất bã nhờn là căng thẳng. Nghiên cứu đã khẳng định căng thẳng góp phần làm phát tác các bệnh viêm da, dị ứng và truyền nhiễm, đồng thời làm chậm quá trình lành vết thương.
Căng thẳng ảnh hưởng đến da thế nào?
Khi ta căng thẳng, các hormone căng thẳng được giải phóng từ vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận và hệ thần kinh giao cảm. Quá trình này được gọi là sự kích hoạt các cơ chế căng thẳng trung ương. Hormone giải phóng corticotropin (CRH) kích thích sản sinh hormone vỏ thượng thận ACTH, dẫn đến tiết cortisol (glucocortinoid).
Hiện nay, CRH được coi là chất chất đóng vai trò quan trọng nhất trong việc điều chỉnh cơ chế căng thẳng và phản ứng nội tiết thần kinh trong thời gian lo âu.
Tình trạng căng thẳng dẫn đến các phản ứng sinh lý rất thực, gây ảnh hưởng rõ ràng lên mọi hệ thống và cơ quan trong cơ thể như hệ nội tiết thần kinh, miễn dịch, tim mạch, và cả làn da. Hệ quả là, da phải hứng chịu mọi tác động đến từ hormone căng thẳng và các phân tử bị giải phóng do căng thẳng thông qua các thụ thể trên màng tế bào.
· CRH (corticoliberin) - các thụ thể tiếp nhận hormone này nằm trên màng tế bào sừng, tế bào hắc tố và tế bào mast. Hormone CRH thúc đẩy giải phóng histamine từ các tế bào mast gây phản ứng viêm kèm hiện tượng sưng, đỏ và ngứa.
· ACTH (hormone vỏ thượng thận) kích hoạt sắc tố trong da và kích thích tổng hợp bã nhờn
· STH (hormone tăng trưởng) kích thích tăng sắc tố, tăng tổng hợp bã nhờn
· Glucocorticoid. Hầu hết các tế bào da (tế bào sừng, tế bào hệ miễn dịch, tế bào tuyến bã nhờn và mồ hôi, nguyên bào sợi, v.v.) đều chứa thụ thể tiếp nhận hormone này.
· Androgen. Nồng độ testosterone (tồn tại trong da dưới dạng dihydrotestosterone) gia tăng làm kích thích bài tiết chất nhờn, ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào sừng và tế bào miễn dịch.
Ảnh hưởng của căng thẳng đến làn da có cơ sở và hậu quả rất rõ ràng. Các tế bào da không chỉ có các thụ thể tiếp nhận mà bản thân chúng có thể tổng hợp hầu hết tất cả các hormone căng thẳng. Phân tử CRH, ACTH, endorphin, catecholamine, v.v. không gây hại khi được sản sinh ở mức không đáng kể.
Tuy nhiên nếu căng thẳng bao phủ cả một vùng da thì các phân tử này có thể đi vào máu và kích hoạt các cơ chế căng thẳng trung ương.
Để điều trị mụn trứng cá hiệu quả, điều quan trọng là phải:
· loại bỏ các nguyên nhân làm tăng tổng hợp bã nhờn;
· tăng cường bảo vệ chống oxy hóa;
· tăng cường miễn dịch cho da;
· khôi phục và duy trì cấu trúc hàng rào của da.